Làng có tài mở khóa

05.06.2015
Thôn Tương Chúc, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội từ lâu nổi tiếng có tài "mở khóa". Tất cả các loại khóa cổ kim, hiện đại cỡ nào cũng đều bị "hạ gục" khi qua tay người làng.
Thôn Tương Chúc, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội từ lâu nổi tiếng có tài "mở khóa". Tất cả các loại khóa cổ kim, hiện đại cỡ nào cũng đều bị "hạ gục" khi qua tay người làng.

Làng có tài "mở khóa"

Theo Bí thư Chi bộ thôn Tương Chúc Vũ Văn Quy, cả thôn có 500 hộ dân, trên 2.000 nhân khẩu thì có tới 150 hộ có nghề sửa khóa. Mỗi buổi sớm, người làng lại rộn rã rời nhà ra phố kiếm sống, bỏ lại sau lưng xóm làng vắng hoe. Ông Quy bật mí, trước khi làm trưởng thôn rồi bí thư chi bộ như hiện nay, ông cũng từng có hàng chục năm lang bạt kỳ hồ hành nghề sửa khóa.
 
Theo ông Quy, sửa khóa là môn kỹ thuật vô cùng chính xác nhưng lại không có trường lớp nào dạy. Người làng truyền dạy cho nhau. Để làm nghề, người thợ phải tinh ý, kiên trì mày mò, tìm quy luật hoạt động của từng loại khóa. "Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, những chiếc khóa làm ra cũng tinh vi, phức tạp hơn. Người thợ khóa phải nắm bắt được các nguyên lý, cấu tạo của khóa mới sửa được. Chẳng thế mà, đối với các loại khóa bị mất chìa, thông thường thợ phải mở khóa ra đo rồi mới cắt lại, nhưng đối với các thợ giỏi thì không cần mở, chỉ cần thăm bi rồi cắt mò cũng xong".

Ông Vũ Văn Ngợi, người làng Tương Chúc, hiện là Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Ngũ Hiệp cho biết thêm, những người thợ khóa làng Tương Chúc chưa chịu bó tay trước một loại khóa nào. Đơn giản nhất là khóa cơ rồi đến khóa từ, khóa số… dù có hỏng, mất chìa thì người thợ khóa ở đây đều có thể sửa được. Chỉ với vài trăm nghìn làm vốn sắm đồ nghề gồm kìm, rũa, búa, đe và vài xâu phôi chìa là đủ để khởi nghiệp.
 
Nếu dư dật, người thợ có thể đầu tư thêm khoảng trên dưới 3 triệu đồng mua máy cắt chìa, rất tiện và nhanh khi làm theo mẫu có sẵn. Chỉ chừng ấy là đủ trổ tài, thu về hai, ba trăm nghìn đồng mỗi ngày. Số tiền không lớn song thợ sửa khóa vẫn "ham" vì họ tìm được niềm vui trong nghề. Nhiều khi, họ thấy hạnh phúc vì giúp được người khác. Niềm vui cũng đến với những anh thợ cao tay khi mở được khóa mà những nhóm thợ trước đó đã phải bó tay.

Giữ lấy cái đức

Sinh ra và lớn lên tại làng Tương Chúc, được thừa hưởng những ngón nghề từ lớp người cao tuổi trong làng truyền lại, anh Vũ Văn Lập, 35 tuổi đến với nghề sửa khóa như một tất yếu như bao người làng. Hằng ngày, chỗ ngồi thường xuyên của anh là một góc nhỏ phía chân cầu Thanh Trì.
 
Hơn chục năm gắn bó với nghề, anh không nhớ nổi mình đã làm ra bao nhiêu chiếc chìa, sửa bao nhiêu khóa. Và chừng ấy thời gian cũng đủ để lưu dấu trong anh bao kỷ niệm vui buồn. "Thường thì thu nhập mỗi ngày của tôi được khoảng 200 nghìn, nhưng có nhiều hôm, gặp khách nhờ mở các loại khóa két bạc, khóa ô tô giá trị lớn, khóa lại phức tạp, chủ nhà sẵn sàng thưởng cả triệu đồng".
 
Biết sửa khóa, nắm được quy luật mở khóa nhưng người làng có khi nào tiếp tay cho kẻ trộm? Ông Vũ Văn Quy, Bí thư Chi bộ thôn quả quyết, "Cắt chìa cho kẻ cắp, thì nhanh giàu, nhưng dễ mất nghiệp". Đã là thợ sửa khóa thì không ai trong đời không gặp một hai lần kẻ xấu lợi dụng hoặc thuê mở khóa.
 
"Có bọn trộm biết chủ nhà đi vắng, thỏa thuận sẽ cho tôi nhiều tiền nếu phá khóa cho chúng nhưng không bao giờ tôi làm. Thậm chí, nếu có khách nhờ cắt chìa theo các mẫu in ra giấy, đất sét, xà phòng… chúng tôi cũng không bao giờ nhận vì đó rất có thể là chìa ăn cắp". Thông thường, người làng đánh khóa thường có mặt 2 người, đánh xong giao lại ngay cho khách.
 
Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp Nguyễn Văn Tươi cho hay, nét độc đáo ở Ngũ Hiệp là xã có 5 thôn thì thôn nào cũng có nghề riêng: Tự Khoát đan thúng, Lưu Phái làm hàng mã, đan quang… còn Tương Chúc có nghề sửa khóa. Trong khi nghề truyền thống của một số nơi đang mai một, thì làng nghề Tương Chúc ngày càng phát triển, số hộ duy trì nghề ngày một tăng lên.
 
Ở Tương Chúc có nhiều gia đình nhiều thế hệ gắn bó với nghề này như nhà bà Phạm Thị Thìn có 4 con thì 3 người làm nghề sửa khóa; ông Vũ Văn Toàn có 3 anh em trai làm nghề trên phố.
 
"Cả thôn gần như không còn hộ đói nghèo; phần lớn các gia đình làm được nhà cao tầng kiên cố; thôn đã xây được nhà văn hóa, ba sân vui chơi công cộng. Cuộc sống các gia đình được cải thiện nên số hộ khá giả ở đây ngày càng tăng. Chẳng thế mà ngoài cái tiếng là "làng có tài mở khóa", Tương Chúc còn được mệnh danh là "làng cao kều" bởi dân ở đây đều có chiều cao vượt trội so với người trong vùng" - ông Tươi vui vẻ cho biết.
 
Theo Nguyễn Mai (Hà Nội Mới)
0
Chat Zalo